Những gì lũ tác giả có thể học từ danh sách tôm tươi

Posted on 18/09/2011 bởi

1


***Trần Thu Trang dịch từ blog của Alan Rinzler để phục vụ bản thân và một số đồng nghiệp. Giọng văn dịch rất thoát và nhảm, chống chỉ định với đối tượng độc giả quá nghiêm túc mong manh nhạy cảm và/hoặc không am hiểu ngành xuất bản.***

Ảnh minh hoạ trên bài viết gốc.

Tiêu chuẩn vàng cho sự thành công trong vai trò tác giả là lọt vào danh sách tôm tươi của New York Times (NYT – mình có nên dịch là Thời báo Nữu Ước cho nó nhảm cổ điển một thể không nhỉ?). Đó là một dòng chữ nhỏ có uy tín to mà những nhà xuất bản, tác giả và độc giả muốn nhìn thấy trên bìa 1. Nó gào lên: “Đọc em đi! Em được chứng nhận rồi á!”

Một tác giả đạt được chiến công này như nào? Cái gì đưa cuốn sách trở thành tôm tươi? Một vài câu trả lời nằm ngay trong danh sách tôm tươi. Vậy nên hãy đào sâu và xem chúng ta có thể khám phá được gì về việc viết, xuất bản và câu khách.

Điều quan trọng nhất và duy nhất mà một tác giả có thể làm để lọt vào danh sách? Hãy kéo chuột xuống để biết câu trả lời của một nhà văn đã có tác phẩm án ngữ trong danh sách đáng rỏ dãi này suốt 117 tuần.

6 bài học từ danh sách tôm tươi của New York Times

1. Danh sách hết sức đa dạng

NYT hiện công bố 23 danh sách tôm tươi riêng rẽ. Phạm vi danh sách trải từ sách hư cấu và phi hư cấu hỗn hợp cả bản in lẫn điện tử đến sách bìa cứng, chính trị, kinh doanh, thiếu nhi… Chúng bao gồm tất tần tật từ tiểu thuyết văn học đến truyện kinh dị, truyện sến, hồi ký, trinh thám, khoa học viễn tưởng huyền huyễn, sách cho tuổi mới lớn và sắp lớn, sách học làm người và làm các việc khác, sách tôn giáo, sách cho tâm hồn và vô thiên lủng.

Bài học:

Đừng lo lắng về việc làm theo những cái-gọi-là-xu-hướng. Những cuốn sách thành công thì đa dạng kinh khiếp và không ở một thể loại chủ đạo nào. Hãy dẹp cái quan niệm rằng nếu câu chuyện của bạn không có con ma cà rồng hay bí quyết làm giàu nhanh, nó sẽ toi dần đều. Việc cố gắng dự đoán xem thể loại sách nào sẽ bán chạy vào thời điểm bạn viết hay xuất bản sách chỉ tổ lãng phí thời gian.

2. Độ dài của sách bất đồng

Khi tôi làm biên tập viên phát triển (tác phẩm), các tác giả thường hỏi tôi “Sách của em nên dày nhiêu hả bác?” hoặc “Cháu thấy bẩu không cuốn nào được dày hơn 300 trang.” Câu trả lời của tôi luôn là: Một cuốn sách cần dài bao nhiêu thì cứ dài chừng đó, và không được bôi thêm.

Cái mà danh sách tôm tươi của NYT tiết lộ là độ dài của cả sách hư cấu và phi hư cấu dao động trong một khoảng rất rộng. The Help – cuốn tiểu thuyết tôm tươi của Kathryn Stockett là một cục gạch 544 trang, trong khi Blind Faith của CJ Lyons thì 392 trang. Ở mảng phi hư cấu, Heaven is for Real của Todd Bupo chỉ có 192 trang, nhưng Unbroken của Laura Hillenbrand thì tận 496.

Bài học:

Đừng độn hay gọt để sách của bạn vừa với bất cứ độ dài cụ tỉ nào. Nếu bạn không còn gì để kể, hãy dừng lại. Nếu vẫn còn câu chuyện hay thông tin cần thiết, cứ tiếp tục. Tuy nhiên, tôi luôn luôn khuyến cáo rằng một cuốn sách không nên bao gồm những thứ lặt vặt không đáng nhớ, vì thế hãy tránh lạc đề hoặc những đoạn rào đón rườm rà lê thê.

3. Sách điện tử  (ebook) là tương lai

Đầu năm nay, NYT bắt đầu tung ra 4 danh sách tôm tươi mới bao gồm cả doanh số ebook, và đáng nhẽ việc này phải đến sớm hơn. Số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ (AAP) và Nhóm nghiên cứu ngành (xuất bản) sách cho thấy số lượng sách điện tử bán ra tăng trưởng một mức khổng lồ là 1039,6% trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, với 114 triệu đơn vị bán ra năm ngoái. Con số này chỉ là những báo cáo từ các nhà xuất bản truyền thống chứ không bao gồm những ebooks của các tác giả tự xuất bản và bán, thế nên con số thực còn cao hơn nhiều.

Bài học:

Những ngày xưa thân ái khi sách bìa cứng là vua đã qua rồi. Bạn có thể bán một số lượng sách lớn ở dạng sách số, hoặc là sách tự xuất bản, hoặc do các nhà xuất bản truyền thống làm. Các tác giả có thể chọn dạng sách và kênh phát hành cho riêng họ.

4. Sách tự xuất bản có thể cạnh tranh

Sau đây là một thực tế đáng kinh ngạc: 3 trong số 10 cuốn hàng đầu trong danh sách tôm tươi của thể loại “Hư cấu hỗn hợp cả bản in và bản điện tử ” là sách tự xuất bản: Cuốn đứng thứ 4 Blind Faith của CJ Lyons, thứ 5 The Mill River Recluse của Darcie Chan và thứ 6 The Abbey của Chris Culver. Ố ồ. Tốc độ được chấp nhận và thành công của các cuốn sách tự xuất bản là một cái gì đó mà những nhà xuất bản truyền thống không dự đoán được.

Sách điện tử với chi phí thấp hơn đã biến việc chờ đợi những cuốn sách bìa mềm cao cấp hay những lần tái bản in bìa mềm bình dân của những cuốn sách bìa cứng đắt lòi ngày càng trở nên lỗi thời*. Báo cáo của AAP và Nhóm nghiên cứu ngành sách cho thấy thị trường sách bìa mềm đại trà cho thấy sách bìa mềm bình dân đã giảm 13.8% trong cùng khoảng thời gian nói trên. “Những người đã từng chờ đợi để mua sách bìa mềm bình dân vì lý do giá cả sẽ không chờ nữa đâu”, Liate Stehlik – người của các NXB Morrow và Avon thuộc tập đoàn HarperCollins nói.

Bài học:

Hãy suy nghĩ về việc tự xuất bản như một lựa chọn chính đáng và hấp dẫn dành cho nỗi thất vọng của việc cố gắng tìm một người đại diện văn học và nhà xuất bản truyền thống. Việc tự xuất bản đang tăng theo cấp số nhân. Cái này không dễ dàng hơn đâu. Bạn vẫn phải viết một cuốn sách hay và tự bán phần lớn. Nhưng nó nhanh hơn, bạn có quyền kiểm soát nhiều hơn và hưởng phần lợi nhuận to hơn.

5. Việc đưa tác phẩm lên phim và TV đang thay đổi

Cuốn sách hư cấu đứng thứ 1 trong danh sách “Hư cấu hỗn hợp cả bản in và bản điện tử” của NYT là The Help của Kathryn Stockett, tiểu thuyết bom tấn 544 trang về những phụ nữ giúp việc người Mỹ gốc Phi trong gia đình những người da trắng ở Jackson, Mississippi trong những năm đầu thập niên 1960. Được xuất bản lần đầu năm 2009, nó đã nằm trong danh sách tôm tươi của thể loại “Hư cấu bìa cứng” 107 tuần. Bộ phim dựa trên cuốn sách đã ra rạp tháng 8/2011 với một kinh phí mà ngày nay coi là khiêm tốn: có mỗi 25 triệu đô. Nó ăn khách oách, đến nay đã đạt doanh thu 123 triệu đô chỉ riêng ở thị trường Mỹ.

Bài học:

Tư duy như phim, ngay cả khi bạn đang không viết một tác phẩm kinh dị, trinh thám hay sến thông thường. Đừng cho rằng cuốn sách của bạn không có cơ hội lên màn ảnh rộng.

6. Những tác giả tôm tươi là những người tiếp thị bản thân đầy khao khát

10 tác giả hàng đầu trong danh sách hư cấu và phi hư cấu hỗn hợp cả bản in và bản điện tử đều có khả năng tiếp thị bản thân (hay còn gọi là cục tác), bao gồm những nhà văn nổi tiếng với những thành tích lớn, như Lee Childs, Kathy Reichs, James Patterson, J.A. Jance, John Grisham và Johanna Lindsey. Những người mới cũng làm vậy, bao gồm Rebecca Skloot, Chris Culver, Darcie Chan, Alexandra Fuller, Erik Larson và những người khác.

Bài học:

Không ai bán sách của bạn giỏi bằng bạn, cho dù bạn đã có một nền tảng vững hay chưa. Những nhà xuất bản cuối cùng cũng nhận ra rằng độc giả muốn liên hệ trực tiếp với tác giả chứ không phải với NXB. Họ không thực sự quan tâm ai xuất bản cuốn sách mà sẽ tìm kiếm những lời khuyên từ các blog đọc sách, những người nhận xét trên mạng, các web, blog, cập nhật Twitter và Facebook từ những người mà họ biết và tin tưởng.

_______________

Điều quan trọng nhất và duy nhất mà một người viết có thể làm để tác phẩm lọt vào danh sách tôm tươi là gì?

Để có câu trả lời, chúng ta đến với Garth Stein, cuốn tiểu thuyết Racing in the Rain của anh đã ở nằm trong danh sách tôm tươi “Hư cấu bìa mềm cao cấp” của NYT 117 tuần, tuần này ở vị trí thứ 8.

“Vầng, không định nói nghe đơn giản hoá hay gì cả, nhưng điều quan trọng nhất và duy nhất là viết một cuốn sách hay, phải không? Ý tôi là, tôi đã nghe rằng có nhiều cách khôn khéo để tiêu tốn nhiều tiền và lọt vào danh sách, và một khi đã lọt vào rồi thì sẽ có một chút động lực duy trì. Nhưng điều đó (việc nằm trong danh sách) sẽ không kéo dài trừ khi đó là một cuốn sách hay, mọi người muốn đọc nó và mua thêm vài cuốn nữa cho bạn bè người thân vân vân.

Tôi đang muốn nói đến marketing, mạng xã hội và đại loại thế! Và để chồm hỗm trên một danh sách đòi hỏi nhiều công sức của nhiều người chẳng hạn như nhà xuất bản, lực lượng kinh doanh, người bán sách và tác giả. Nhưng nếu hoàng đế cởi truồng, độc giả sẽ nhận ra luôn. Thế nên cứ viết sách ngon đi đã.”

Cảm ơn Garth. Nói thì dễ, phỏng ạ?

___________

Chú thích (của người dịch):

  • Bìa mềm bình dân: Mass-market paperback, sách đóng khổ nhỏ (11 x 17.8 hoặc 13 x 19.8 cm), bìa mềm, chất giấy mỏng nhẹ, thường dành cho các thể loại sách giải trí hoặc sách của tác giả mới.
  • Bìa mềm cao cấp: Trade paperback, sách khổ tiêu chuẩn (13.5 x 21.6 cm) hoặc lớn hơn, bìa mềm, có chất giấy đẹp hơn chất giấy của bìa mềm bình dân, thường dùng để làm phiên bản bìa mềm của một cuốn sách bìa cứng đã xuất bản.
Độc giả muốn đem các bài viết trên F-Corner sang đăng ở các nơi khác hay muốn tham gia viết, dịch bài cộng tác với F-Corner, xin vui lòng vào đọc kỹ trang XƯNG DANH để biết thêm chi tiết. Chân thành cảm ơn.
Posted in: Bài dịch