Chiến tranh Trung – Việt là điều tất yếu. Tại sao?

Posted on 26/07/2011 bởi

6


***Nội dung bài viết phản ánh quan điểm của tác giả – một giảng viên tại Bắc Kinh Vương phủ Học hiệu (1), Bắc Kinh, Trung Quốc.***

Bìa tạp chí TIME tháng 3 năm 1979 về cuộc chiến Trung - Việt

Giờ đây trước sự sững sờ của Trung Quốc, tranh chấp ở biển Đông đã trở thành một bữa tiệc mở: nhiều nước chào mời Mỹ đến làm chủ cuộc vui, và thậm chí kẻ thù không đội trời chung của Trung Quốc là Ấn Độ cũng sẽ lẽo đẽo theo. Món hấp dẫn nhất của bữa tiệc là dầu mỏ. Theo tính toán của Trung Quốc thì khu vực này dự trữ tới 7,5 tỉ thùng chất vàng lỏng này, thừa sức vượt qua 80% tổng trữ lượng dầu mỏ của các vương quốc A Rập.

Tình hình rắc rối trong khu vực chứng tỏ rằng chính sách “gác tranh chấp, cùng phát triển” của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại. Trong những tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền là tiền pháp định chỉ được hậu thuẫn bởi sức mạnh kinh tế và quân sự. Ngoài ra thì chỉ là trò bịp bợm. Quan hệ ngoại giao và kinh tế không thôi không bao giờ giúp Trung Quốc giành được biển Đông.

Để giải quyết tranh chấp lãnh thổ này, chiến tranh Trung-Việt là không thể tránh khỏi. Với Trung Quốc đây cũng là phương án có lợi nhất nhằm giải quyết dứt điểm rắc rối này. Vấn đề duy nhất lúc này là thời điểm tiến hành và Mỹ sẽ dự phần vào sự kiện này như thế nào. Chúng ta sẽ xem xét xem những động lực sẽ khiến núi lửa này phun trào ra làm sao:

Nền kinh tế bất ổn của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác dầu mỏ ở biển Đông, chiếm tới 30% GDP của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ nếu nước này mất nguồn dầu mỏ trong khu vực. Việt Nam đang gặp phải tình cảnh vô cùng khó khăn: Lạm phát tăng cao trong khi chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 20,82% trong tháng 6 so với cùng kì năm ngoái, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 2008. Hệ thống ngân hàng thì đang chao đảo với các món nợ xấu trong bối cảnh các chính sách tiền tệ bị thắt chặt và vỡ bong bóng kinh tế; thâm hụt thương mại ngày càng lớn đã làm xói mòn dự trữ ngoại tệ của nước này – ước tính đạt 12,2 tỉ đô la cuối năm 2010, giảm 52% từ mức kỉ lục 25,8 tỉ đô la tháng Hai năm 2008, điều này sẽ cản trở đầu tư nước ngoài, làm giảm tính thanh khoản và tăng khả năng vỡ nợ của hệ thống. Tất cả những yếu tố trên sẽ càng làm nghiêm trọng hơn bất ổn xã hội và đe dọa chế độ cộng sản. Vì thế, leo thang căng thẳng với Trung Quốc có thể là một cách hữu hiệu để Hà Nội đánh lạc hướng những bất bình trong nước khỏi sự quản lý yếu kém đồng thời khẳng định tính chính đáng của chế độ cai trị bằng lòng yêu nước và thậm chí là chiến tranh. Với Hà Nội, biển Đông đáng để đổ máu.

Giờ hãy xem xét vấn đề này từ góc độ của Washington: Ảnh hưởng kinh tế ngày càng sụt giảm của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ buộc Mỹ phải duy trì sự dính líu của mình ở khu vực theo khả năng cho phép, như duy trì cân bằng sức mạnh quân sự chẳng hạn. Trung Quốc giờ đây đóng vai trò là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu trong khu vực, nuốt chửng nhiều đối thủ, hàng hóa cũng như vốn đang dần trở thành trụ cột chủ đạo chống đỡ các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu của phương Tây đang tụt lại sau. “Theo thống kê của ASEAN, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN đã tăng sáu lần kể từ năm 2000 đạt 193 tỉ đô la Mỹ năm 2009, vượt qua mức của Mỹ. Trong tổng kim ngạch thương mại của Đông Nam Á, tỉ trọng của Trung Quốc tăng từ 4% lên 11,3% trong giai đoạn này, trong khi tỉ trọng thương mại của Mỹ với khối này giảm từ 15% xuống còn 10,6%. Cũng trong thời gian này, thâm hụt thương mại của ASEAN với Trung Quốc đã tăng năm lần lên mức 21,6 tỉ đô la Mỹ. Khối này cũng đưa ra số liệu thặng dư thương mại với Mỹ đạt 21,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009, giảm 12% so với năm 2000.” Trung Quốc cũng là nguồn đầu tư rất quan trọng và là nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất trong khu vực. Trong khi đó, châu Á ngày nay là khu vực tăng chi tiêu quốc phòng cao nhất thế giới. Thực tế đó cộng với những xung đột trong các tranh chấp lãnh thổ với giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines, v.v… đã tạo ra cho tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ một thách thức lớn đồng thời cũng là cơ hội hoàn hảo. Tranh chấp biển Đông cho Mỹ cơ hội vàng để quay lại châu Á, cò kéo tình hữu nghị, những thỏa thuận năng lượng cùng những phi vụ mua bán vũ khí.

Bây giờ hãy xem xét lý do về phía Bắc Kinh: Bản chất háo năng lượng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ càng củng cố thêm quyết tâm của Trung Quốc trong lập trường về biển Đông cũng như công cuộc hiện đại hóa lực lượng hải quân. “Theo số liệu do Bloomberg thu thập thì dự trữ dầu của Trung Quốc đã giảm 40% kể từ năm 2001 khi nền kinh tế này tăng trưởng trung bình 10,5% mỗi năm.” “Hiện tại Trung Quốc phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài tới 50% lượng dầu tiêu thụ, và một nửa trong số đó là dầu nhập từ Trung Đông.” Tuy nhiên, Mùa xuân A Rập và tình thế bế tắc giữa Mỹ và Iran càng làm gia tăng tính bất ổn của khu vực này đến mức buộc Trung Quốc phải đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tầng lớp trung lưu ngày một đông, quá trình cơ giới hóa và đô thị hóa càng làm Trung Quốc thèm khát năng lượng. Cơ quan năng lượng quốc tế IEA đã dự đoán rằng mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng nước ngoài sẽ tăng lên đến hơn 60-70% tổng lượng tiêu thụ của nước này trong năm 2015. Tình trạng an ninh năng lượng không đảm bảo này cho Trung Quốc rất ít lựa chọn ngoài việc đảm bảo hơn nữa nguồn cung dầu mỏ từ biển Đông. Nếu không làm vậy thì không chỉ vị thế Công xưởng Thế giới của Trung Quốc bị đe dọa mà cả tương lai tồn tại của nước này cũng vậy. Hơn nữa, bất cứ nhượng bộ về chủ quyền nào cũng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng tính chính đáng trong sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi đảng đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề đòi dân chủ và tự do ngôn luận. Ai cũng biết Trung Quốc đã phải chịu nhiều phen nhục nhã, mất lãnh thổ và nhiều lần thảm sát trong những cuộc chiến tranh trước kia với nước ngoài. Chính phủ và kể cả bọn phản động có thể lợi dụng tình cảm dân tộc đang hừng hực khi cần thiết. Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể để mất thế chủ động quý báu như thế khi có thể thay đổi cân bằng quyền lực.

Tất cả những điều trên sẽ được giải quyết nếu chúng ta khai hỏa và vấy máu khắp biển Đông.

Kết luận

Đúng là gần đây Việt Nam đã rất cố gắng để biến tranh chấp biển Đông thành một bữa tiệc mở càng ngày càng đông. Việt Nam đang khẩn thiết kêu gọi sự can thiệp của Mỹ, cầu cạnh Ấn Độ chống lại Trung Quốc và liên kết với các nước ASEAN khác để tăng cường khả năng tấn công. Ngay cả thế, dù Hà Nội có chơi trò chơi này hăng hái thế nào chăng nữa thì nhân tố quyết định vẫn là sự ủng hộ của Mỹ.

Với Washington, cố nhiên là việc ngăn chặn ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc càng nhiều người chơi gia nhập trong khi loại Trung Quốc ra khỏi liên minh hợp tác không nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ, vì không ai biết chắc chắn rằng trong 50 năm Mỹ sẽ tiếp cận châu Á ở mức độ nào, nhưng có một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ là người chơi lớn ở châu Á trong hàng nghìn năm. Không có sự hợp tác của Trung Quốc, chẳng chóng thì chầy Mỹ sẽ mất ảnh hưởng chiến lược ở châu Á. Chẳng có gì phải nghi ngờ về thực tế đó.

Hơn nữa, Việt Nam không nên trông chờ quá nhiều ở Mỹ. Cùng lắm thì Washington chỉ có thể đóng vai người trung gian, một yếu tố răn đe và bán vũ khí giữa các bên tham chiến. Mỹ sẽ không tham chiến trực tiếp với Trung Quốc trong tương lai nhãn tiền, vì Mỹ vượt trội Trung Quốc về hải quân và không quân và cách duy nhất để Trung Quốc cân bằng sân chơi là sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính yếu tố hạt nhân trong chiến tranh Trung-Mỹ sẽ khiến cả nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới trở thành người khổng lồ gục ngã. Nếu hai nước gây dựng được niềm tin lẫn nhau để hợp tác thì liên minh Trung-Mỹ có thể đủ sức thống trị thế giới. Bằng không, nếu cửa sổ cơ hội đó kết thúc bằng chiến tranh thì cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bị phá hủy và cùng lắm là được thành những kẻ bám đít như Nga, Đức và Pháp mà thôi.

Nhiệm vụ cấp bách nhất của Washington là giải quyết thâm hụt tiền tệ, thâm hụt thương mại và thất nghiệp. Là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn nhất đối với sự hồi phục của nước Mỹ. Là chủ nợ lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ là nhân tố then chốt trong việc duy trì vị thế đồng tiền dự trữ thế giới của đồng đô la. Trụ cột của siêu cường Mỹ nằm ở vị thế của đồng đô la bởi lẽ chi phí hoạt động của một siêu cường không thể duy trì bằng chính sách tiền tệ thường bao gồm cả yếu tố chính trị đảng phái khi cần kíp nhất. Đó là khi bạn có thể dựa vào chính sách hỗ trợ tiền tệ của cục dự trữ liên bang. Nhưng nếu không có vị thế đồng tiền thế giới của đô la thì những chính sách hỗ trợ ấy sẽ chẳng có tác dụng gì. Trong một viễn cảnh như thế thì tầm quan trọng của Trung Quốc là không thể chối cãi.

Vì thế Việt Nam sẽ phải tự lực cánh sinh trong cuộc chiến này vì ưu tiên của Mỹ là ở chỗ khác. Nhìn hai chế độ cộng sản tiến bộ cuối cùng đánh nhau cũng hay. Sau rốt, bên nào sở hữu biển Đông cũng sẽ cần đội ngũ chuyên gia và công nghệ của các công ty dầu mỏ Mỹ. Là Mỹ cũng tốt vì chẳng mất gì cả.

Với Trung Quốc, việc đánh bại Việt Nam là vô cùng quan trọng. Đó sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Philippines và những nước tranh chấp khác đồng thời nhắc nhở họ rằng hi vọng về sự can thiệp phi thực tế của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Hơn nữa, không giống như Phiippines, Việt Nam còn có biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Vậy nên Trung Quốc tấn công Việt Nam sẽ không chỉ giới hạn trên biển. Trung Quốc cũng có thể sử dụng lực lượng bộ binh tinh nhuệ để xâm lược Việt Nam. Quân đội Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm sa trường trên bộ trong hai cuộc chiến trước đây với Việt Nam. Trung Quốc còn có thể phá hủy cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ chiến tranh và phát triển kinh tế của Việt Nam, và thay đổi chế độ hay gây ra một cuộc nội chiến ở Việt Nam. Đó là mục tiêu có lợi duy nhất với quân đội mà không phải chiếm đóng tốn kém. Cứ để nước Việt Nam loạn lạc cho người Việt Nam. Một đất nước Việt Nam tan rã sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể tập hợp đủ sức để tấn công Trung Quốc.

Khi tình hình lắng dịu, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau khai thác nguồn dầu mỏ và khí gas dồi dào ở biển Đông. Các tập đoàn ExxonMobil, Chevron và Shell sẽ thống trị quần đảo Trường Sa.

Nguyễn Quang Khải dịch từ bài viết của Dee Woo trên trang Businessinsider.com.

Chú thích (của người dịch):

  1. Bắc Kinh Vương phủ Học hiệu là trường liên kết giữa Trung Quốc và nước ngoài, do Trung tâm Khảo thí của Trường Đại học Cambridge mở tại Bắc Kinh năm 2006. Trường này còn hợp tác với Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Minnesota, Hoa Kỳ.
Bài liên quan:

 

Độc giả muốn đem các bài viết trên F-Corner sang đăng ở các nơi khác hay muốn tham gia viết, dịch bài cộng tác với F-Corner, xin vui lòng vào đọc kỹ trang XƯNG DANH để biết thêm chi tiết. Chân thành cảm ơn.

Posted in: Bài dịch