Trượt đại học, làm gì?

Posted on 03/07/2011 bởi

3


Ảnh: Alosh Bennett (Flickr.com)

Bài viết của Trần Thu Trang, đăng lần đầu trên www.tranthutrang.net năm 2010, đăng lại trên F-Corner không chỉnh lý bổ sung gì cả.

Mình viết bài này để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Đối tượng độc giả chính của bài là những bạn không đỗ đại học và không có cơ hội vào bất cứ trường cao đẳng hay trung cấp nào (giống như mình cách đây 10 năm). Hy vọng mình sẽ cung cấp cho các bạn một vài gợi ý để mau chóng vượt qua quãng thời gian không dễ dàng này.

1. Học ngoại ngữ

Nếu bạn theo khối A hoặc C và dự định thi lại vào năm sau, việc học ngoại ngữ sẽ giúp bạn có thể thi thêm khối D, từ đó gia tăng cơ hội cho bản thân. Trong trường hợp bạn không chuyển khối thi hoặc không định thi lại đại học mà muốn ra đời làm việc luôn, một vốn ngoại ngữ tàm tạm cũng giúp các bạn rất nhiều trong công việc sau này (tạo lợi thế khi xin việc, giao tiếp với đồng nghiệp hoặc khách hàng nước ngoài, đọc tài liệu chuyên môn…).

Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất nên có nhiều nơi dạy, nhiều sách vở tham khảo, nhiều cơ hội thực hành cũng như sử dụng… Nếu không có sở thích hay ước muốn nào đặc biệt, bạn hãy chọn tiếng Anh, vì nó tương đối dễ học và cũng hữu ích trong cuộc sống thường ngày. Tuỳ vào mục đích của bản thân, các bạn hãy chọn cách học ngoại ngữ cho phù hợp. Nếu định đi làm những công việc cần giao tiếp, hãy nghiến răng theo học ở những trung tâm chú trọng đào tạo nghe-nói (thường có giáo viên bản ngữ và thu học phí khá cao). Nếu chỉ cần trau dồi khả năng đọc-viết để thi khối D, bạn có thể mua sách về tự học.

2. Học vi tính

Tất cả các bạn tiếp cận được với bài viết này có lẽ đều nắm vững cách sử dụng máy tính và khai thác thông tin trên mạng. Vì vậy, mình sẽ chỉ nói về những thứ không liên quan đến internet. Giống như ngoại ngữ, kỹ năng tin học văn phòng (cụ thể là sử dụng những phần mềm như Word, Excel hay Power Point) cũng giúp các bạn rất nhiều trong công việc sau này. Những khoá học tin văn phòng được mở ở khắp nơi, học phí cũng không quá đắt, các bạn có thể theo một khoá cơ bản rồi sau đó quyết định có học nâng cao hay không.

Bên cạnh tin học văn phòng, những khoá học liên quan đến các phần mềm đồ hoạ như Photoshop hay Corel Draw cũng là một thứ đáng quan tâm, nhất là với những bạn có năng khiếu mỹ thuật. Hãy cứ học một khoá cơ bản để thăm dò khả năng, nếu không thể trở thành một nhà thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp, các bạn cũng nắm được cách tẩy mụn cho ảnh chân dung của bản thân và người yêu.

3. Học nấu ăn

Dù có thể không giúp ích gì cho bạn trong công việc chuyên môn, kỹ năng nấu nướng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống sau này. Với các bạn nữ thì rõ rồi, xã hội suốt ngày ra rả về đức tính đảm đang của phụ nữ, các bạn không sớm thì muộn cũng phải biết nấu ăn thôi. Nếu như trước đây các bạn quá bận rộn với việc học hành mà s/xao nhãng chuyện bếp núc thì khoảng thời gian rảnh rỗi này chính là cơ hội tốt để bổ túc. Với các bạn nam, việc học nấu ăn tuy không đem đến những ích lợi rành rành nhưng cũng rất bổ ích. Nếu biết nấu ăn, dù chỉ tí chút, ít nhất bạn cũng có thêm một cách lấy lòng những người khác giới (tin mình đi, rất hiệu quả đấy!).

Để học nấu ăn, các bạn -đặc biệt là những bạn chưa biết tí gì- không nhất thiết phải mua những cuốn sách nấu ăn mấy trăm mấy ngàn món hay đến các trung tâm dạy nghề mà có thể học hỏi người thân hoặc bạn bè trước đã. Hãy bắt đầu bằng những món đơn giản nhất như cơm canh hằng ngày, dần dần tiến đến những món cầu kỳ phức tạp hơn. Các blog hướng dẫn kèm ảnh trên mạng cũng là một nguồn tham khảo tốt.

4. Đọc sách

Các bạn đừng đọc truyện sến của Trần Thu Trang, hãy cố gắng đọc nhiều tác phẩm văn học kinh điển và tác phẩm phi hư cấu như tiểu sử, hồi ký, biên khảo, du khảo, nghiên cứu xã hội học… Nói chung, bạn cứ chọn những cuốn sách có nhiều thông tin hơn là tính giải trí, tuy đa số viết không được hấp dẫn như sách văn học thời thượng nhưng chúng sẽ giúp bạn mở mang vốn hiểu biết đáng kể. Cách đọc của mình là đọc đều đặn mỗi tuần 1-2 cuốn (nhiều hơn càng tốt), có thể đọc chậm nhưng không bỏ dở, ghi nhận xét riêng cùng những câu viết hay, những dữ kiện đáng lưu ý ra sổ tay hay blog cá nhân, nếu được thì đọc lại một vài lần để ngấm hơn. Kể cả khi bạn không định theo các ngành xã hội, việc đọc sách cũng đem đến cho bạn những lợi ích sát sườn: Cách trình bày diễn đạt của bạn sẽ gãy gọn hoặc hoa mỹ hơn, lời chém gió của bạn sẽ có sức thuyết phục hơn, ấy là chưa kể nhà bạn có bóng dáng dăm quyển sách thì trông cũng sang hơn.

5. Khám phá nơi bạn đang sống

Hãy tranh thủ khoảng thời gian trống để tự mình đi thăm và tìm hiểu kỹ hơn về những danh lam thắng cảnh, di tích hay làng nghề ở địa phương nơi bạn đang sống. Việc này nghe qua có vẻ không cần thiết, nhưng mình cam đoan là nếu chịu khó đi và tìm hiểu, bạn sẽ biết được rất nhiều điều mới mẻ về những địa danh tưởng như đã quá quen thuộc. Những hiểu biết này có thể không nâng được điểm nào cho bài thi đại học của bạn nhưng nó sẽ giúp bạn trở thành một người địa phương am tường. Nói đổ xuống sông xuống bể, nếu có trượt đại học tiếp và phải đi lái xe ôm hay bán hàng rong, bạn cũng biết rõ đường đi lối lại và có những mẩu chuyện nhỏ thú vị để mua vui cho khách.

Trên đây là 5 việc mà chính mình đã làm khi chờ thi lại đại học. Đến tận bây giờ, những kiến thức mà mình gom góp được trong khoảng thời gian rỗi rãi chán đời đó vẫn giúp mình rất nhiều trong công việc cũng như trong quan hệ xã hội. Mình chia sẻ ở đây, không mong các bạn làm theo 100%, chỉ mong kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích phần nào. Thân mến.

Độc giả muốn đem các bài viết trên F-Corner sang đăng ở các nơi khác hay muốn tham gia viết, dịch bài cộng tác với F-Corner, xin vui lòng vào đọc kỹ trang XƯNG DANH để biết thêm chi tiết. Chân thành cảm ơn.

Thẻ:
Posted in: Bài viết